Tham Lang Bắc Đẩu Tinh -1-

Nana1981

PHẦN I: PHIẾM THỦY ĐÀO HOA VÀ PHONG LƯU THÁI TRƯỢNG

Sao Tham Lang ngũ hành thuộc (+ Mộc), thuộc chòm Bắc Đẩu Tinh, hóa khí là Đào Hoa tinh. Mặc dù, sao Tham Lang hóa khí là Đào Hoa, nhưng không phải người nào có sao Tham Lang giữ mệnh cũng hiếu sắc, đa tình, dục vọng thô bỉ. Để xác quyết được khi nào là Đào Hoa, khi nào ham mê rượu chè, khi nào ham mê văn chương thi phú, khi nào là thanh bạch, khi nào ưa tu hành thuật thần tiên, khi nào là cách tiền cao lộc hậu cần phải xét đến tổ hợp sao Tham Lang đi với các sao nào.
Khi Tham Lang hóa khí thành Lộc ( người tuổi Mậu) an mệnh thân cung thì là người hiếu động, lanh lẹ. Nếu Tham Lang gặp Văn Xương, Văn Khúc, Thiên Khôi, Thiên Việt thì chủ về người thông minh, lanh lẹ, có năng khiếu nghệ thuật, văn chương. Nếu Tham Lang đồng độ với Thiên Không, Thiên Hình thì chủ về người có khí chất thanh bạch, cho dù có Kình Dương, Đà La, Đào Hoa, Mộc Dục, Thiên Dao xung phá đi nữa vẫn có khí chất thanh cao, nếu có chăng chỉ là những suy nghĩ tà dâm, chứ những suy nghĩ trên không thể hiện thành hành động. Nếu Tham Lang đồng độ với Địa Không, Địa Kiếp thì người có sở thích tu tiên, thích lánh xa mùi tục lụy nhiều phiền toái và ồn ào. Tham Lang đồng độ với Hỏa Tinh, Linh Tinh là cách Hỏa Tham (đồng độ với Hỏa Tinh) hoặc Linh Tham (Linh Tinh đồng độ) đây là cách tiền nhiều lộc cao….
PHIẾM THỦY ĐÀO HOA
Nếu đồng độ với Kình Dương, Đà La thì là người chủ về thích rượu chè, hút sách, cờ bạc, mê hoa luyến sắc, nếu ở cung Hợi, Tý thì gọi là cách Phiếm Thủy Đào Hoa. Ở cung Hợi, Liêm Trinh Tham Lang đồng độ với Đà La. Ở cung Tý, có 2 trường hợp là Tham Lang độc tọa và Tham Lang đồng độ với Kình Dương (tuổi Nhâm có mệnh an tại Tý cung, Tham Lang giữ mệnh tất có Kình Dương đồng độ). Đối với tuổi Quý, mệnh an tại Hợi cung, có Liêm Trinh, Tham Lang giữ mệnh, tất có Đà La đồng độ, người tuổi Quý nếu có cách Phiếm Thủy Đào Hoa sẽ thê thảm hơn người tuổi Nhâm, do tuổi Quý sao Tham Lang hóa khí thành Kỵ. Như vậy, cách Phiếm thủy Đào Hoa là gì, đó là cách vì ham luyến sắc dục và uống rượu, cờ bạc mà chuốc lấy tai họa. Tình huống cụ thể thế nào cần phải phối chiếu với cung Phúc Đức, Tài Bạch và Tật Ách để xác quyết. Các tình huống này nếu có Tuần Không, Triệt Không đồng độ thì mức độ tai họa được chế giảm đi rất nhiều, nhưng tính phong lưu, hiếu sắc vẫn không thay đổi.
Ngoài Tỵ và Hợi cung ra, khi Tham Lang đồng độ với Kình Dương, Đà La ở các cung khác cũng được xem là Phiếm Thủy Đào Hoa, nhưng mức độ nhẹ hơn Tỵ Hợi rất nhiều.
PHONG LƯU THẢI TRƯỢNG
Khi Tham Lang độc tọa tại Dần cung có Đà La đồng độ (người tuổi Ất) hoặc Thiên Hình đồng cung (không có Thiên Không) thì cũng vì mê hoa luyến sắc mà mang họa. Cách này gọi là Phong Lưu Thái Trượng. Vậy sự khác nhau giữa Phiếm Thủy Đào Hoa và Phong Lưu Thái Trượng như thế nào. Điều này làm cho người nghiên cứu mệnh lý rất thường nhầm lẫn và khó phân biệt. Thật ra, 2 cách này xét về họa thì không khác nhau, nhưng trong tiến trình dẫn dắt đến tai họa có một chút khác nhau. Cách Phong Lưu Thái Trượng bao hàm do luyến sắc có tình cảm, tức là si mê ai đó mà có tình cảm của đương số ở trong đó, dẫn đến cơ nghiệp, sự nghiệp tan tành, giống như vua U Vương mê Bao Tự, Trụ Vương mê Đắc Kỷ vậy. Còn Phiếm Thủy Đào Hoa thì không, tai họa do ăn chơi, tửu sắc, trụy lạc mà ra nhưng trong đó không bao hàm tình cảm của đương số.

Bình luận về bài viết này